Tình yêu thiếu phụ
Tổ máy phát điện số một chuẩn bị vận hành. Một bộ phận công nhân và thiết bị cơ giới đã chuyển đến công trình thủy điện mới. Thóc đâu, bồ câu đó. Nhiều hàng quán đã dọn đi theo chân công nhân.
Mười ngày nửa tháng nữa quán Ngọc Anh cũng dọn đi nên chủ quán không sửa sang, mặc quán xá xập xệ, nền tráng xi măng vỡ từng mảng, mái tranh bị gió tốc thay vào là một tấm tăng nhựa xám xịt bịt khoảng trời u ám màu chì.
Xuống ca, mấy kỹ sư trẻ rủ nhau đi loanh quanh. Chốn hoang dã từ ngày xây dựng nhà máy trở nên nhộn nhịp, đầu tiên là dân quanh vùng đổ về mua bán cho công nhân, rồi họ hàng của công nhân từ các miền quê hội tụ, vài quán lá mọc lên: quán cà phê, quán cháo lòng, hàng rau cải, một thớt thịt heo, quán nhậu. Bẵng vài ngày không rời công trường, đã nghe có chợ, chuyện bình thường vì có người ở ắt có chợ. nơi heo hút chưa đặt tên nên cứ theo vị trí mà gọi chợ ngã Ba thủy điện.
Chợ ngã Ba thủy điện nườm nượp khách, khi một dãy hàng quán bán bia rượu có nữ tiếp viên áp má kề môi mọc dọc theo con đường dẫn vào đội thi công số Năm. Đội ngũ công nhân, kỹ sư, bọn phá rừng, bọn buôn gỗ cả mấy ngàn người được các cô gái trẻ phục vụ tận tình. đám trai già xa vợ lâu ngày, đám trai trẻ thích khám phá hơi hướm lạ có thêm khoản chi tiêu mới. Giữa chốn đìu hiu, sớm mai và thẫm chiều sương mù ẩm ướt chăn gối, chữ nghĩa trở nên vô vị, Sơn vứt đống sách tha về mỗi lần có dịp ra thị trấn Blao, cùng đám kỹ sư trẻ vui thú với các cô gái trôi dạt làm cái nghề có tự cổ xưa mỗi lần xuống ca. Cũng có lúc chán chường, Sơn ghì siết cô gái muốn trút tất cả nỗi bực dọc, giận dữ vào người cô rồi không đến quán bia nữa. nhưng vài ngày sau anh lại tìm cô để có nơi trút phiền muộn. Đã hai năm rồi mà Sơn chưa đủ can đảm trở về thăm người thiếu phụ đang sống cùng đứa con gái lên sáu ở thành phố bên kia ngọn núi, dù lòng anh đau đáu nỗi nhớ nhung. Anh cũng không viết thư cho nàng.
Quen chân, cả bọn đến con đường sung sướng dẫn vào đội thi công số Năm. Bọn kỹ sư trẻ đặt tên con đường nhiều gái làm tiền là con đường sung sướng. Quán bọn Sơn thường ngồi chỉ còn cái nền nham nhở, bề bộn vật dụng phế thải, con bồ câu của anh đã bay tìm thóc. May quán còn bé Ngọc Anh.
Mải cụng ly cùng bạn và các cô gái, chốc sau Sơn mới chăm chú nhìn cái võng vải ni-lông treo góc nhà thi thoảng lay động, có vẻ như người nằm trong võng cựa mình. Anh rời bàn đến vịn sợi dây dù cột võng, thấy Ngọc Anh nhấp nháy mắt, bé gái chừng sáu tuổi có đôi mắt đen tròn với hàng mi cong dài đẹp và buồn. Anh lặng lẽ trước khuôn mặt thiên thần của Ngọc Anh và chợt nhớ khuôn mặt bé Thảo Nguyên xa cách. Ngọc Anh nháy mắt lia lịa và đột nhiên mở to, nhìn anh he hé môi cười. Anh cúi xuống xốc bé lên, bé không phản đối, anh vác bé lên vai rời quán, bỏ lại lũ bạn và đám gái hứng tình đang động cỡn. Mẹ của bé đang nằm trong vòng tay một người bạn anh, nhoài người nhìn anh khuyến khích.
Hơn chín giờ sáng mà mặt trời còn núp trong cánh rừng phòng hộ, đằng sau vạt rừng cháy nham nhở. Cùng với làn sóng di dân ồ ạt, một phần rừng phòng hộ biến mất như có phép lạ, mọi người tha hồ lấy gỗ, chiếm đất làm nương rẫy trong sự bất lực của lực lượng bảo vệ. Hai chú cháu theo con đường thoai thoải dẫn xuống hồ nước. Mặt hồ phẳng, nhìn xa không phân biệt mặt nước và sương mù. Bé chạy một quãng lại dừng chờ anh, nhìn bé hái cánh hoa dại vàng hực bên đường, lòng anh thanh thản lạ lùng. Dễ chừng lâu lắm rồi anh mới có một sớm mai bình yên.
Ngược dốc, từ phía hồ lên, anh gặp gã chuyên gia nước ngoài mắt một mí ì ạch cõng cô vợ trẻ. cô vợ cười nắc nẻ trên lưng gã, có lẽ gã muốn chứng minh già mà dẻo dai chăng? Gã dừng lại, chào anh thân thiện bằng một tràng líu lo như tiếng chim. Chuyện gã chuyên gia năm mươi cưới cô gái hai mươi một thời gian là đề tài bàn tán của mọi người trên công trường. Gã làm đám cưới hẳn hoi, mời đại diện công ty, đồng nghiệp và đằng gái dự tiệc ở nhà hàng ngoài Blao. Nghe đâu gã thương yêu chiều chuộng cô vợ trẻ lắm, như một người cha. Cô là một trong mấy cô gái đẹp của con đường sung sướng.
Anh nằm ngửa mặt trên đám cỏ nuột nà, Ngọc Anh chán hái hoa đến ngồi bên anh. Anh vờ ngủ, mặc bé nghịch ngợm phủ hoa lên mặt anh, những cánh hoa mịn màng và thơm dịu dàng. Bé lay vai anh:
- Chú ơi, ba cháu đâu không thấy?
Anh kéo bé nằm kê đầu lên cánh tay mình, hai chú cháu nhìn bầu trời đã ấm áp hơn vì mặt trời vừa trèo qua khỏi cánh rừng.
- Sao cháu không hỏi mẹ?
- Mẹ nói hồi ở nhà ngoại, có lần mẹ tắm sông sau nhà, nước sông làm mẹ chửa rồi đẻ cháu.
- Thế thì mẹ nói đúng rồi.
– Cháu tin mẹ, nhưng mấy dì ở quán nói mẹ lấy trai, bị bỏ, nên cháu không có ba.
Anh ôm choàng bé, muốn bạt tai mấy con ngựa cái làm hoen ố tâm hồn thơ dại. Anh nhớ bé Thảo Nguyên, con của người thiếu phụ ở bên kia núi. trẻ con thành phố ít tin chuyện thần tiên hơn trẻ con sống nơi heo hút núi rừng. Thảo Nguyên từng thỏ thẻ với anh là bé ghét ba lắm dù không biết ba là ai. Lúc đó, anh đã ôm Thảo Nguyên vào lòng, suýt hỏi bé là có cho anh được làm ba bé không.
Anh không giấu giếm tình yêu của mình đối với người thiếu phụ. Nàng lớn hơn anh năm tuổi và có một đứa con. Đó là bức tường thành ngăn cản hai con người đến với nhau hay sao? Chị ruột anh là bạn thân của nàng lại là người phản đối quyết liệt nhất trong gia đình. Lý do phản đối của chị thật mù mờ, một kỹ sư trẻ không được phép cưới một phụ nữ hư hỏng làm vợ. Chị đã có lời lẽ xúc phạm nặng nề đối với nàng, từ đó nàng lánh mặt anh.
Bao lần không được gặp, anh tìm đến ngôi trường nàng dạy học. Sợ anh làm liều, nàng cho anh một cái hẹn.
Đêm đó, trên bãi biển nhợt nhạt một vầng trăng, anh cầu hôn nàng. Nàng không trả lời, chỉ cầm tay anh khóc cho đến lúc chia tay. Anh rời thành phố ngay trong đêm. Khi chiếc xe khách buông hồi còi dài làm vỡ vụn sương đêm, anh nghe tim mình quặn thắt, nhưng nhớ ra đã quên mang cho bé Thảo Nguyên mấy quyển truyện tranh đã hứa.
Anh mất mẹ rất sớm nên anh vô cùng thương yêu những đứa bé bất hạnh như Thảo Nguyên. rồi một tình yêu đằm thắm và dịu dàng đã xâm chiếm tâm hồn anh, và anh đã được đáp lại bằng tình yêu của một người tình, có khi còn là một người mẹ. Anh bất lực khi nàng đau đớn trúng thương vì những lời lẽ mạt sát ác độc của chính người thân của anh. Anh chạy trốn.
Hai chú cháu vượt dốc về nhà, bé gái nũng nịu kêu mỏi chân. Anh cõng bé trên lưng, nhớ lần cõng Thảo Nguyên qua cây cầu khỉ trong một lần anh đưa nàng và con đi chơi miệt quê. Anh thấy ánh mắt nàng sáng long lanh lạ thường, nhìn anh ăm ắp yêu thương và hạnh phúc. Ánh mắt ấy đã sưởi ấm lòng anh hai năm xa nàng, trong bao đêm mưa rừng gió núi gào rú trên đại ngàn và bao đêm vụn giấy lả tả của những tờ thư không gửi.
Đám bạn anh đã tan cuộc vui, khi anh trả con lại, người thiếu phụ chủ quán nhìn anh biết ơn.
- Cám ơn anh đã đưa bé Ngọc Anh đi dạo. Mỗi lần quán có khách, em phải bắt con bé lên võng ngủ để nó khỏi thấy cảnh ôm ấp.
Câu nói của người thiếu phụ làm anh muốn khóc.
Anh bắt kịp vợ chồng gã chuyên gia mang theo hàng hóa lỉnh kỉnh ở đầu dốc rẽ vào khu nhà tiền chế, trông họ thật hạnh phúc. Anh sải nhanh bước, hy vọng gặp được họ trước khi họ vào nhà. anh muốn bắt tay gã nước ngoài để chúc mừng tình yêu của anh ta. anh ta hạnh phúc vì đã can đảm đến với người mình chọn.
Truyện ngắn của Hồ Việt Khuê